NGƯỜI NỐI NHỊP CẦU Y TẾ GIỮA VIỆT NAM VÀ AUSTRALIA


   Năm 1993, khi đang làm việc cho một công ty dược phẩm lớn tại Australia, ông Nicholas Nguyễn được cử về Việt Nam một năm để phát triển thị     trường dược phẩm. Sau một năm nỗ lực làm việc, ông đã thành công trong việc cộng tác với ngành Y tế dự phòng của TP.HCM và Hà Nội để         phát triển sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh viêm gan siêu vi và cách phòng chống.

    Sự thành công này cho ông cơ hội trở thành Tổng Giám đốc tại Việt Nam của một công ty dược phẩm lớn nhất thế giới vào năm 1995. Hết              nhiệm kỳ làm việc của mình, ông đã thu được những kinh nghiệm và hiểu biết đáng quý về xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực Y học Việt        Nam gắn liền với sự tăng trưởng cả về chất và lượng của ngành Dược phẩm. Ông nhận thấy, ngành Y Dược Việt Nam còn ở giai đoạn đang          phát triển, nên rất cần sự đầu tư dài hạn, sự cập nhật thông tin, công nghệ sản phẩm từ các nước tiên tiến trên thế giới.
   Chính vì vậy, năm 2000 ông quyết định thành lập Công ty Dược phẩm Bridge Healthcare tại Australia. Là người sáng lập và điều hành Công ty, phương châm của ông là: Song hành với mục tiêu kinh doanh, mục tiêu lớn nhất quan trọng khác là Bridge Healthcare là “cầu nối y tế giữa Việt Nam và Australia”. Các sản phẩm của Bridge Healthcare đều được sản xuất tại chính Australia trong nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP cũng như tiêu chuẩn TGA của Australia. Thị trường quan trọng và chiến lược của Bridge Healthcare là Việt Nam. Do đó, ông đã lựa chọn các sản phẩm chiến lược thực sự có chất lượng quốc tế để phục vụ nhu cầu chữa bệnh “thời sự” tại Việt Nam, đó là các sản phẩm phòng và điều trị loãng xương, phòng và điều trị các bệnh về khớp.

Đầu tư và đào tạo một thế hệ trẻ khỏe về thể chất, mạnh về trí lực
Qua gần 10 năm hoạt động, Bridge Healthcare đã thu được một số thành công nhất định tại Việt Nam. Khi được hỏi về những kinh nghiệm để có được những thành công đó, ông Nguyên cho rằng không có bí quyết đặc biệt nào ngoài phương châm: Doanh nghiệp cùng tồn tại và phát triển với sự tồn tại và phát triển của thị trường, tức là phải xây dựng một mối quan hệ song phương, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Chính vì vậy, Công ty đã xây dựng “Bridge Healthcare Education Foundation” (Quỹ Giáo dục Y tế của Bridge Healthcare) với nguồn tài chính không nhỏ trích từ lợi nhuận của Công ty. Trong những năm qua, Quỹ này đã chi khoảng 1,1 triệu AUD cho việc hỗ trợ các Hội khoa học của ngành Y tế Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học, đưa chuyên gia y tế của Australia vào Việt Nam cập nhật thông tin khoa học và trao đổi kinh nghiệm, tài trợ cho các giáo sư, bác sĩ Việt Nam đi dự các hội thảo khoa học lớn tại Australia, USA… Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Bridge Healthcare Education Foundation chú trọng tới việc đưa các bác sĩ trẻ có tài năng và mong muốn được nâng cao tay nghề ra đào tạo chuyên môn tại nước ngoài. Đó là các khóa học ngắn hạn về Tim mạch tổ chức hàng năm tại Australia, và các khóa học dài hạn dành cho bác sĩ Tim mạch trẻ tại Singapore và Malaysia. Ông cho rằng, khi các chuyên gia y tế Việt Nam được cập nhật thông tin, kiến thức nghề nghiệp ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới thì thị trường dược phẩm trong nước sẽ phát triển cùng với trào lưu thế giới. Một thị trường rộng mở, tiên tiến sẽ là cơ hội để cho các doanh nghiệp nước ngoài như Bridge Healthcare có cơ hội thành công hơn. 

Chiến lược kinh doanh của ông trong 10 năm tới là: tiếp tục đồng hành cùng với sự phát triển của ngành Y Dược Việt Nam, đầu tư và phát triển các sản phẩm chiến lược để nâng cao thể trạng, trí lực của trẻ em Việt Nam. Ông nói: “Chúng tôi đang và sẽ phát triển một dòng sản phẩm Nhi khoa cao cấp, sản xuất tại Australia để cung cấp cho thị trường Việt Nam, chúng tôi song hành với mục tiêu chiến lược của Chính phủ Việt Nam: Đầu tư và đào tạo một thế hệ trẻ khỏe về thể chất, mạnh về trí lực”.

Góp phần tuyên truyền và thu hút các doanh nhân khác đầu tư về Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực kinh doanh, ông cho biết, khi kinh doanh trên đất nước mình, ông gặp được nhiều thuận lợi do có sự hỗ trợ của các đối tác Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia y tế Việt Nam. Các giáo sư đầu ngành, các quan chức trong ngành đều hiểu những khó khăn của một doanh nghiệp nước ngoài nên đã dành nhiều tình cảm và sự hỗ trợ ông trong công việc thường ngày.
Khó khăn lớn nhất là trình độ làm việc và sự chuyên nghiệp của nhân viên Việt Nam còn thấp so với trình độ chung của khu vực châu Á. Ông cho rằng, nhân viên Việt Nam cần phải thay đổi từ trong nhận thức thì mới bắt kịp được xu hướng chung của một thị trường độc lập, cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc cải cách, đổi mới trong các cơ quan hành chính như thuế vụ, hải quan… trong thời gian gần đây, cũng giải tỏa được nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng ông vẫn mong sự cải cách này được triệt để hơn nữa, và thực sự các cơ quan này làm đúng chức năng hoạt động và có mục đích hỗ trợ doanh nghiệp.  

Trong giới doanh nhân thường có các buổi gặp mặt, trao đổi thông tin và ông vẫn thường xuyên chia sẻ các hiểu biết của mình với đồng nghiệp mới để giúp họ định hướng được mục tiêu kinh doanh. Theo ông, việc các doanh nhân Việt kiều tại Việt Nam đang điều hành công ty của mình ngày càng thành công cũng góp phần tuyên truyền và thu hút các doanh nhân khác đầu tư về Việt Nam. Ông cho biết: “Với quá trình đầu tư tại Việt Nam gần một thập niên và thu được những thành quả nhất định, tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân có ý định đầu tư hoặc mới đầu tư vào Việt Nam để họ hiểu rằng tình hình thực tế khả quan hơn và Việt Nam đã thay đổi và phát triển rất mạnh trong 20 năm qua. Trên thực tế trước khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nhân Việt kiều đều tham khảo tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đi trước và sự thành công của các doanh nghiệp này góp phần tăng tính tự tin cho họ. Vì vậy, sự thành công của một doanh nghiệp vừa & nhỏ như Bridge Healthcare Pty. Ltd. tại Việt Nam là một minh chứng điển hình cho việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp gắn liền với sự ổn định của xã hội Việt Nam”

Nguồn: http://quehuongonline.vn/guong-mat/nguoi-noi-nhip-cau-y-te-giua-viet-nam-va-australia-12548.htm